Triển vọng sáng cho các doanh nghiệp ngành nhựa xây dựng

12:52 PM, 26/11/2022

     Do chiếm tỷ trọng lớn tới 70% chi phí giá vốn hàng bán và phải phụ thuộc từ nguồn nhập khẩu nên biên lợi nhuận của doanh nghiệp nhựa xây dựng Việt Nam chịu biến động lớn từ giá nhựa PVC trên thế giới. Bên cạnh đó, sản lượng tiêu thụ các sản phẩm nhựa xây dựng có tiềm năng tăng trưởng lớn khi tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam vẫn thấp, trong khi nhiều người kỳ vọng các vấn đề về pháp lý các dự án bất động sản được tháo gỡ trong năm 2023, tạo bệ phóng thúc đẩy mạnh nguồn cung bất động sản trong năm 2024.

 

 

 

Triển vọng giá nhựa PVC duy trì ở mức thấp

 

     Công ty trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCBS) nhận định nhựa nhiệt dẻo Polyvinyl clorua (PVC) trong nửa cuối năm 2022 và trong năm 2023 sẽ duy trì ở mặt bằng giá thấp trong vùng 800-1.000 USD/tấn, giúp biên lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành nhựa tích cực do nguồn cung thiếu hụt tại Mỹ đã phục hồi và nguồn cung trên thế giới tăng mạnh.

 

     Trong ngắn hạn, các nhà sản xuất lớn tại Ấn Độ, Mỹ và Trung Quốc có đầu tư mở rộng sản xuất PVC ngay trong năm 2022 với công suất hàng triệu tấn, trong đó từ nay tới năm 2026, công suất PVC sẽ tăng 17% lên mức 70 triệu tấn/năm. Nhựa vật liệu xây dựng có thị trường phân mảnh hơn rất nhiều với biên lợi nhuận mỏng và chịu cạnh tranh gay gắt từ hàng nhập khẩu, đặc biệt là Trung Quốc. Hiện Công ty cổ phần Tập đoàn Nhựa Đông Á chiếm khoảng 20% thị phần toàn quốc.

 

Lợi nhuận phụ thuộc giá nhựa PVC trên thế giới

 

 

      Việt Nam hiện tại chưa làm chủ được chuỗi giá trị sản xuất nhựa xây dựng do phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu đầu vào là hạt nhựa PVC phải nhập khẩu. Sản lượng sản xuất hạt nhựa PVC trong nước chỉ đến từ 2 nhà sản xuất là Công ty trách nhiệm hữu hạn Hóa chất AGC Việt Nam và Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhựa và Hóa chất TPC Vina với tổng công suất 390.000 tấn với nhà máy tập trung ở khu vực phía Nam. Do đó, hằng năm, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu lên tới 700.000 tấn PVC phục vụ tiêu thụ.

 

      Hiện nay, có 2 phương pháp sản xuất hạt nhựa PVC chính là sản xuất từ dầu mỏ, khí thiên nhiên hoặc từ than đá; trong đó phương pháp sản xuất từ than đá có khả năng tiết kiệm chi phí hơn nhưng nhiên lại tiêu tốn gấp đôi năng lượng so với dầu mỏ. Bên cạnh đó, tác hại với môi trường của quy trình từ than đá là rất lớn khi cần tiêu tốn rất nhiều thủy ngân cho quá trình sản xuất.

 

 

     Do chiếm tỷ trọng lớn tới 70% chi phí giá vốn hàng bán và vẫn phải phụ thuộc từ nguồn nhập khẩu nên biên lợi nhuận của các doanh nghiệp nhựa xây dựng Việt Nam chịu biến động lớn từ giá nhựa PVC trên thế giới. Tuy nhiên, nhờ vào tăng trưởng xây dựng nhà dân mà sản lượng tiêu thụ không bị sụt giảm trong thời gian qua, điều này thể hiện qua diện tích nhà ở bình quân trên đầu người vẫn tăng trưởng tốt, kể cả trong đại dịch COVID-19.

 

     Việc liên tục đầu tư mở rộng chất lượng sản phẩm và phát triển các dòng ống nhựa xây dựng còn nhiều tiềm năng như HDPE, PPR sẽ là xu hướng trong thời gian tới giúp tăng doanh thu và cải thiện biên lợi nhuận.

 

Hotline tư vấn: 0909 315 114
Zalo